Blog Thừa phát lại - Từ khi các văn phòng thừa phát lại (TPL) trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, việc lập vi bằng đã được thực hiện trong các giao dịch dân sự nhằm ghi nhận sự kiện, hành vi có thật, góp phần là căn cứ bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong các giao dịch giữa các bên. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về giá trị của vi bằng.
Chị N.T.H. và chị N.T.T. là bạn bè quen biết. Quá trình quen biết nhau, chị T. có vay mượn tiền của chị H. để làm ăn, nhưng sau đó, chị T. không trả tiền nợ cho chị H. Hai bên xảy ra xích mích với nhau. Mâu thuẫn chưa được giải quyết thì chị T. lại đăng livestream trên mạng xã hội trực tiếp chửi bới, nói xấu chị H... Khi biết chị T. phát livestream như vậy, chị H. đã dùng điện thoại cá nhân ghi lại video mà chị T. đã phát... Quá bức xúc vì bị bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội, chị H. đã đề nghị Văn phòng TPL thị xã Nghi Sơn lập vi bằng ghi nhận nội dung sự việc và đính kèm các video nhằm mục đích làm nguồn chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật khi cần thiết.
Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng Văn phòng TPL thị xã Nghi Sơn tư vấn cho người dân về vi bằng. |
Ông T.T.T. cũng là một trong những người dân đến Văn phòng TPL thị xã Nghi Sơn đề nghị lập vi bằng ghi nhận ý kiến của các thành viên trong buổi họp của gia đình ông về việc phân chia tài sản là đất đai. Buổi họp đã được ghi biên bản rõ ràng, tuy nhiên, vì không muốn các con nảy sinh tranh chấp tài sản về sau này, ông đề nghị TPL lập vi bằng để làm căn cứ pháp lý, đồng thời căn dặn các con thực hiện theo nội dung biên bản đã thống nhất.
Trường hợp của ông L.V.H. đến văn phòng TPL đề nghị lập vi bằng cũng khá phổ biến liên quan đến ghi nhận hiện trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình xây dựng. Trước khi nhà hàng xóm khởi công xây dựng nhà tầng, ông H. yêu cầu TPL lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà ở của ông kèm theo những hình ảnh, video căn nhà. Làm như vậy để đề phòng trường hợp căn nhà của ông H. bị sụt lún, rạn nứt khi nhà hàng xóm xây dựng. Có vi bằng ghi nhận hiện trạng, ông H. yên tâm hơn vì khi có tình huống xảy ra còn có cơ sở pháp lý để xử lý.
Theo thông tin từ Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 văn phòng TPL đang hoạt động ở TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn và thị xã Nghi Sơn. Trong năm 2022, 4 văn phòng TPL đã lập khoảng 500 vi bằng. Riêng trong tháng 1-2023, các văn phòng đã lập được 51 vi bằng. Số lượng vi bằng được lập tuy không nhiều, song đã tăng dần qua các năm, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, ổn định quan hệ xã hội, an ninh trật tự, xác lập và củng cố thêm chứng cứ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch và tham gia tố tụng...
Mặc dù có lợi ích thiết thực, nhưng hiện nay vi bằng vẫn là một khái niệm còn xa lạ với đại đa số người dân. Nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu và biết cách sử dụng loại văn bản này. Theo quy định, Văn phòng TPL là pháp nhân được phép thực hiện có 4 chức năng, trong đó có chức năng lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020, Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28-8-2020 của Bộ Tư Pháp đã quy định: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Về giá trị pháp lý, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác mà là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Việc lập vi bằng sẽ giúp các tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong trường hợp xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện.
Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng Văn phòng TPL thị xã Nghi Sơn cho biết: Lập vi bằng là một chức năng quan trọng và là thế mạnh của TPL. Nếu như những ngày đầu hoạt động của TPL ở thị xã Nghi Sơn còn mới mẻ, thì đến nay người dân tìm đến TPL yêu cầu lập vi bằng ngày càng nhiều. Từ khi thành lập (năm 2020) đến nay, Văn phòng đã lập khoảng hơn 350 vi bằng. Số lượng vi bằng lập năm 2022 tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Điều này chứng tỏ đã có những chuyển biến nhất định trong nhận biết và sử dụng loại dịch vụ này trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đó là công tác tuyên truyền về hoạt động TPL chưa nhiều và chưa đi vào chiều sâu. Hơn nữa, chưa xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về vi bằng tại các địa phương, do đó còn chưa rút ngắn được thời gian từ lúc lập đến lúc đăng ký vi bằng tại cơ quan có thẩm quyền.
Tại Văn phòng TPL TP Thanh Hóa, số lượng vi bằng lập trong 2 năm 2021, 2022 là 196 vi bằng, với tổng doanh thu gần 900 triệu đồng. Riêng trong tháng 1-2023, Văn phòng đã thực hiện lập được 12 vi bằng cho các cá nhân, tổ chức. Theo bà Nguyễn Thị Vân Quỳnh, Trưởng Văn phòng TPL TP Thanh Hóa, các vi bằng được lập chủ yếu tập trung vào những sự kiện liên quan đến tài sản, như: ghi nhận tình trạng nhà ở trước khi cho thuê; ghi nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình xây dựng; ghi nhận tình trạng nhà đất bị lấn chiếm; ghi nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật; ghi nhận cuộc họp gia đình; tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế... Vi bằng là căn cứ thực hiện giao dịch dân sự giữa các bên, đồng thời là nguồn chứng cứ khi tòa án xem xét giải quyết vụ việc dân sự, hành chính. Mặc dù là văn bản hữu ích trong đời sống, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều người dân chưa biết đến hình thức lập vi bằng, chưa hiểu rõ giá trị pháp lý của vi bằng cũng như chức năng, nhiệm vụ của TPL. Một bộ phận người dân còn nhầm lẫn chức năng của vi bằng và văn bản công chứng, chứng thực. Nhu cầu lập vi bằng của người dân trên địa bàn tỉnh chưa cao so với các thành phố lớn; chưa có luật về TPL.
“Giải pháp hiện nay đó là mỗi văn phòng TPL và bản thân các TPL được bổ nhiệm phải nỗ lực nâng cao kiến thức, tiến hành lập vi bằng có chất lượng cao để nâng cao chất lượng dịch vụ lập vi bằng trong người dân, từ đó góp phần tuyên truyền về hoạt động TPL nói chung, lập vi bằng nói riêng trong đời sống xã hội để nhiều người biết và sử dụng dịch vụ hữu ích này. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần kịp thời kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các văn phòng TPL hoạt động, để hoạt động TPL thực sự đi vào đời sống, phát huy được thế mạnh và sự hữu ích đối với người dân”, Trưởng Văn phòng TPL TP Thanh Hóa nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Việt Hương
Báo Thanh Hóa
0 Nhận xét