Blog thừa phát lại – Để tránh xảy ra việc này, trước khi bàn giao bất động sản cho thuê, các bên cần thiết xác lập lại chứng cứ về hiện trạng bất động sản.
Ở Việt Nam, thị trường giao dịch bất động sản cực kỳ sôi động, đa dạng trong đó có giao dịch cho thuê. Bên thuê và bên cho thuê thường thỏa thuận trong hợp đồng về nghĩa vụ bảo quản bất động sản cho thuê hoặc việc khi chấm dứt hợp đồng, bên thuê phải bàn giao lại nguyên trạng bất động sản thuê như trước khi thuê. Ngoài ra, các bên còn quy định chế tài về việc bên thuê không đảm bảo nguyên trạng (buộc khôi phục nguyên trạng, phạt tiền, bồi thường ...).
Trường hợp các bên không thỏa thuận thì Luật cũng đã dự liệu và quy định việc này. Bất động sản là một loại tài sản; giao dịch cho thuê bất động sản cũng là một giao dịch cho thuê tài sản nên chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự nói chung (Điều 472-482 BLDS năm 2015), ví dụ:
Điều 482. Trả lại tài sản thuê
1. Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.
Ngoài ra, tùy thuộc vào loại bất động sản cho thuê mà còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, ví dụ Luật Nhà ở...
Tuy nhiên,
từ thực tiễn hành nghề mà chúng tôi quan sát được thì các bên soạn thảo các điều
luật rất chặt chẽ nhưng chưa quan tâm đến việc ghi nhận hiện trạng bất động sản
lúc bàn giao. Do đó, khi có tranh chấp hiện trạng bất động sản cho thuê thì các
bên không có tài liệu nào để làm căn cứ đối chiếu, làm việc tranh chấp kéo dài.
Ngay cả khi vụ việc đến Tòa án hay Trọng tài thương mại thì cũng không biết phải
giải quyết như thế nào.
Để tránh xảy
ra việc này, trước khi bàn giao bất động sản cho thuê, các bên cần thiết xác lập
lại chứng cứ về hiện trạng bất động sản. Việc này các bên có thể tự làm bằng cách
chụp hình, quay phim lại. Trường hợp các bên muốn có bên thứ ba làm công việc này
một cách chuyên nghiệp hơn thì có thể đề nghị các Văn phòng thừa phát lại. Thừa
phát lại sẽ giúp lập vi bằng ghi nhận hiện trạng. Vậy thừa phát lại là ai? Thừa
phát lại lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê là gì? Thủ tục lập vi
bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê như thế nào? Phí vi bằng bao nhiêu? Giá
trị của loại vi bằng này? Bài viết này của Blog thừa phát lại sẽ giúp bạn đọc
hiểu rõ hơn về vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê.
Hình minh họa (Nguồn: Internet) |
Căn cứ pháp lý
- Nghị
định 08/2020/NĐ-CP tổ chức và hoạt động của thừa phát lại;
- Thông tư
08/2022/TT-BTP về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư
pháp ban hành;
- Thông
tư 05/2020/TT-BTP về hướng dẫn Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động
của thừa phát lại.
- Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 (Điều 93, khoản 8 Điều
94, khoản 9 Điều 95);
- Bộ luật dân sự năm 2015.
- Luật Nhà ở năm 2014.
Thừa phát lại là ai?
Thừa phát
lại là người tối thiểu có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, có ít nhất
03 năm công tác pháp luật sau khi có bằng đại học luật, trải qua lớp đào tạo
hoặc bồi dưỡng về thừa phát lại, tập sự hành nghề và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bổ nhiệm để thực hiện các công việc
mang tính bổ trợ tư pháp. Đây là một nghề luật tương tự nghề luật sư, công
chứng viên, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên…
Chức năng
của thừa phát lại rất đa dạng, bao gồm 04 công việc: Tống đạt, xác minh điều
kiện thi hành án, tổ chức thi hành án dân sự và lập vi bằng. Ba công việc còn
lại thì các độc giả có thể tham khảo bài viết tại Link này. Ở đây, Blog thừa phát lại chỉ đề cập chi tiết
về chức năng lập vi bằng.
Lập vi bằng là gì? Lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê là gì?
Lập vi bằng là một chức năng của thừa phát lại. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì:
3. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
Khi lập vi bằng, thừa phát lại đóng vai trò là “người làm chứng” quan sát, chứng kiến sự việc, hành vi, hiện trạng và ghi nhận lại trong biên bản “vi bằng”. Đa số mọi người nghĩ rằng, làm chứng chỉ đơn thuần là đứng nghe, nhìn sự việc giữa người với người. Nhưng không, các thừa phát lại còn làm được nhiều việc hơn thế. Không chỉ dừng lại làm chứng như cách hiểu thông thường hiện nay, thừa phát lại còn làm chứng rất đa dạng, ví dụ:
Nhà hàng xóm sắp xây còn nhà mình mới thế này, nếu lỡ may nhà
hàng xóm xây dựng làm hư hỏng nhà mình thì sao, bạn có thể nhờ thừa phát lại
đến làm chứng cho việc nhà mình còn mới, chưa nứt tường, hư hỏng gì.
Bạn có nội dung trao đổi với đối tác trên email nhưng đối tác
không thừa nhận, bạn cũng không thể tự in ra rồi đưa cho Tòa án vì làm vậy là
chưa đủ độ tin cậy cho Tòa án sử dụng, dễ bị đối tác phản bác. Bạn có thể yêu
cầu thừa phát lại chứng kiến việc bạn đăng nhập vào email và in nội dung email
này ra; bộ vi bằng chính có giá trị chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nội dung
email mà bạn cung cấp cho Tòa án.
Vi bằng
không chỉ đơn thuần chỉ có vài dòng chữ ghi chép của thừa phát lại. Như thế thì
giá trị chứng minh không cao. Do đó, mặc dù pháp luật không bắt buộc nhưng các thừa
phát lại thường kèm theo vi bằng các tài liệu khác để minh chứng cho sự việc mà
họ đã quan sát, chứng kiến để tăng giá trị chứng minh, ví dụ:
Vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê ở bị nứt khi thi
công thì sẽ có hình ảnh, đĩa vi tính chứa hình ảnh video kèm theo vi bằng; vi
bằng ghi nhận nội dung trao đổi trên email thì sẽ có hình ảnh thao tác trên máy
tính, file in các nội dung trao đổi, đính kèm trên email; vi bằng ghi nhận hành
vi giao nhận tiền thì sẽ có hình ảnh các bên giao nhận tiền; vi bằng ghi nhận
cuộc họp đại hội đồng cổ đông thì sẽ có hình ảnh các bên tham dự cuộc họp, đĩa
vi tính chưa video quay lại tiến trình tổ chức cuộc họp, bản sao các tài liệu
được thông qua tại cuộc họp…
Trong trường hợp lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê, thừa phát lại sẽ quan sát, chứng kiến, chụp hình, đo đạc hiện trạng nhà và ghi nhận vào biên bản “vi bằng”. Thừa phát lại cũng sẽ đính kèm vào bộ vi bằng này các tài liệu như: Hình ảnh, đĩa vi tính chứa hình ảnh, video hiện trạng...
Có những trường hợp bên thuê thường thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn nhà cửa. Điều này khiến cho chủ sở hữu nhà đất khi nhận lại tài sản đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của các bên thì chủ sở hữu nhà đất nên yêu cầu có sự tham gia của một bên thứ ba để làm chứng về vụ việc.
Cách giải quyết tốt nhất trong trường hợp này là bạn nên yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận lại hiện trạng nhà mình trước và sau khi cho thuê. Giá trị pháp lý của vi bằng rất được đề cao bởi vi bằng được lập bởi thừa phát lại – một chức danh được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của pháp luật. Do đó, giá trị pháp lý của loại văn bản này được sử dụng tại toà cũng như trong các giao dịch dân sự như một chứng cứ quan trọng và cần thiết.
Việc quyết định lập vi bằng sớm trong trường hợp này sẽ giúp hạn chế tối đa những tranh chấp có thể xảy ra. Việc lập vi bằng giúp các bên cũng sẽ có trách nhiệm hơn trong hành vi của mình bởi vi bằng đã ghi lại hiện trạng nhà đất trước và sau khi thuê và cho thuê vì vậy khi có hành vi vi phạm xảy ra, chúng ta sẽ có cơ sở rõ ràng để xử lý bên vi phạm.
Các trường hợp nên lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê hoặc tương tự
Theo kinh
nghiệm hành nghề lâu năm, dựa trên phân tích các quy định của pháp luật, chúng
tôi khuyến nghị độc giả nên đề nghị thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận các
trường hợp có liên quan đến chủ đề bài viết như sau:
- Ghi nhận
hiện trạng nhà trước khi cho thuê;
- Ghi nhận
hiện trạng nhà trước khi nhà hàng xóm thi công xây dựng;
- Ghi nhận
hiện trạng nhà mà các bên thống nhất sẽ bàn giao trong tương lai nhưng chưa bàn
giao;
- Ghi nhận
hiện trạng nhà khu thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở (áp dụng đối với các tổ chức
tín dụng);
- Ghi nhận
hiện trạng nhà bàn giao không đúng thỏa thuận trong hợp đồng (áp dụng đối với
khách hàng nhận bàn giao nhà từ chủ đầu tư);
- Ghi nhận
hiện trạng nhà xây dựng dở dang (áp dụng đối với chủ nhà) do chủ thầu bỏ dở thi
công giữa chừng;
...
|
Giá trị của vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê? Tại sao phải lập vi bằng trong trường hợp này?
Căn cứ quy
định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì:
3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Đầu tiên,
bộ vi bằng là nguồn chứng cứ sử dụng tại Tòa án. Nếu những thông tin trong vi
bằng có đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ gồm: Tính khách quan, tính liên
quan, tính hợp pháp thì sẽ được Tòa án sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ việc.
Ví dụ, căn cứ khoản 1 Điều 127 Luật Nhà ở năm 2014 thì “Trường
hợp chủ sở hữu bán nhà ở đang cho thuê thì phải thông báo bằng
văn bản cho bên thuê nhà ở biết về việc bán và các điều kiện bán nhà ở; bên
thuê nhà ở được quyền ưu tiên mua nếu đã thanh toán đầy đủ tiền thuê nhà cho
bên cho thuê tính đến thời điểm bên cho thuê có thông báo về việc bán nhà cho
thuê, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung; trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày bên thuê nhà ở nhận được thông báo mà không mua thì chủ sở hữu nhà ở được
quyền bán nhà ở đó cho người khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về
thời hạn”. Giả định, chủ sở hữu nhà bán nhà cho người khác nhưng không thực
hiện thông báo hoặc đã thông báo nhưng không lưu lại được chứng cứ chứng minh
việc đã thông báo, nội dung thông báo, thời hạn thông báo đáp ứng các điều kiện
nêu trên. Nếu bên thuê nhà khởi kiện yêu cầu Tòa án chấp nhận cho bên thuê được
thực hiện quyền ưu tiên mua thì khả năng Tòa án tuyên hủy giao dịch bán nhà của
bên cho thuê là rất cao cho dù các bên đã hoàn tất giao dịch mua bán, đã hoàn
tất đăng bộ sang tên. Để hạn chế rủi ro này, bên cho thuê nên yêu cầu thừa phát
lại chứng kiến bên cho thuê đã giao một thông báo cho bên thuê về việc bán nhà,
điều kiện bán nhà; vi bằng là chứng cứ không thể chối cãi về việc bên cho thuê
đã hoàn tất nghĩa vụ thông báo. Nếu bên thuê có khởi kiện thì Tòa án khó chấp
nhận hủy bỏ giao dịch mua bán đã diễn ra.
Trên đây
là ví dụ về vi bằng được sử dụng tại Tòa án, sau đây là một ví dụ về việc vi
bằng được sử dụng làm căn cứ để thực hiện giao dịch.
Trong một giao dịch M&A dự án căn hộ chung cư đang xây
dựng dở dang. Các bên thỏa thuận việc thanh toán được chia làm 05 đợt; trong
đó, điều kiện tiên quyết để bên mua thanh toán tiền đợt 3 cho bên bán là bên
bán đã phối hợp với các đơn vị thi công cũ di dời nhân công, máy móc rời khỏi
công trường (mục đích của bên mua là muốn đưa các đơn vị thi công mới vào). Mặc
dù bên bán đã hoàn thành việc này nhưng bên mua không đến kiểm tra, xác nhận.
Trong trường hợp này, bên bán có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận
trong ngày làm việc nhưng không có nhân công nào đang xây dựng tại dự án; tại
công trường cũng không còn máy móc thiết bị rời nào. Trên cơ sở bộ vi bằng được
lập, bên bán có thể gửi đề nghị thanh toán đợt 3 đến bên mua. Đây là căn cứ để
thực hiện giao dịch, giá trị thứ hai của vi bằng.
Quay trở lại trường hợp vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê, bạn có thể sử dụng vi bằng để đối chiếu hiện trạng nhà cho thuê trước khi bàn giao. Trên cơ sở đó, các bên sẽ biết được những sự thay đổi của nhà cho thuê nếu có, đề nghị khôi phục nguyên trạng, thỏa thuận bồi thường, phạt theo hợp đồng ... Trường hợp các bên không đi đến thống nhất mà khởi kiện thì Tòa án, Hội đồng trọng tài cũng có một chứng cứ hữu ích để đưa ra phán quyết.
Việc lập vi bằng cũng giống như bạn nhờ một người thứ ba đứng ra làm chứng cho một giao dịch hay sự việc nào đó. Tuy nhiên khi lập vi bằng, việc làm chứng này được tiến hành bởi một người có thẩm quyền, được Nhà nước bổ nhiệm theo những yêu cầu khắt khe của pháp luật. Vì vậy nên thừa phát lại là người có am hiểu về pháp luật và uy tin hơn rất nhiều.
Mặt khác khi lập vi bằng, thừa phát lại có thể lập văn bản mô tả, quay phim, chụp ảnh, ghi âm,.. để ghi nhận thực tế khách quan nhất về sự việc, hành vi xảy ra. Điều này giúp đảm bảo việc ghi nhận vụ việc một cách toàn diện, chính xác nhất.
Vi bằng sau khi được thừa phát lại lập sẽ phải đăng ký tại Sở tư pháp. Điều này chứng tỏ vi bằng sẽ chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, đảm bảo vi bằng lập đúng sự việc, đúng pháp luật và có hiệu lực pháp lý.
Vì những lý do trên nên vi bằng có giá trị chứng cứ rất cao và đã được pháp luật quy định là nguồn chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc của Tòa án và các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Nói chung,
vi bằng có giá trị lưu giữ chứng cứ nhằm dự phòng trường hợp sau này, các bên
có cách hiểu khác nhau, có sự không thống nhất thì đã có vi bằng để đối chiếu,
thực hiện trong hòa thuận mà không phải kéo nhau ra Tòa án để tranh chấp. Đây
là giá trị ưu việt của vi bằng, là điều mà các thừa phát lại chúng tôi luôn
mong muốn. Ở một khía cạnh khác, vi bằng được sử dụng để chứng minh một sự
việc, bảo vệ cho một bên và phản bác bên còn lại; lúc này sự việc đã nghiêm
trọng, các bên đã phải gặp nhau ở một cơ quan giải quyết tranh chấp.
Thời gian, địa điểm lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê
Căn cứ
khoản 1 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì thừa phát lại được lập vi bằng trên
toàn quốc. Ngoài ra, do đặc thù công việc “làm chứng” mà thừa phát lại không bị
khống chế thời gian lập vi bằng. Có thể nói bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào cần có
người làm chứng, các bạn thể yêu cầu thừa phát lại hỗ trợ. Tác giả từng lập
những vi bằng ghi nhận nội dung trên internet lúc 02 giờ sáng theo yêu cầu một
hãng luật chuyên về sở hữu trí tuệ để chứng minh một số website có hành vi phát
hành “lậu” các trận bóng đá tại giải Châu Âu đã được mua bản quyền. Hoặc văn
phòng nơi tác giả từng làm việc từng vào tận nhà xác để chứng kiến việc lấy mẫu
vật của người đã khuất nhằm làm giám định, xác định huyết thống trong một vụ
tranh chấp về thừa kế.
Do đó, bạn
không cần băn khoăn việc liệu thừa phát lại có đồng ý đến lập vi bằng nhà của mình
vào ngày chủ nhật hay không?
Thủ tục lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê
Về cơ bản,
thủ tục lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê trải qua 06 bước sau
đây:
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê
Thừa phát
lại sẽ tiếp nhận, lắng nghe những thông tin về yêu cầu lập vi bằng của khách
hàng, xác định được nhu cầu, nội dung sự việc cần lập vi bằng, thời gian, địa
điểm lập vi bằng. Sau đó, thừa phát lại đối chiếu với quy định của pháp luật
đặc biệt là các trường hợp không được lập vi bằng quy định tại Điều 37 Nghị
định 08/2020/NĐ-CP để xác định yêu cầu mà khách hàng đưa ra có thuộc thẩm quyền
lập vi bằng của thừa phát lại hay không.
Nói chung,
hầu như các yêu cầu lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà thì thừa phát lại đều có
thể thực hiện. Tuy nhiên, có một số trường hợp, thừa phát lại không thể đáp ứng
như địa điểm cần lập vi bằng do một người khác đang quản lý một cách hợp pháp
nhưng họ không đồng ý cho thừa phát lại tiếp cận (ví dụ, nhà hàng xóm nhưng họ
không cho thừa phát lại và khách hàng vào...).
Bước 2: Thỏa thuận lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê
Sau khi đã
xác định yêu cầu của khách hàng thuộc trường hợp có thể lập vi bằng, thừa phát
lại và khách hàng sẽ tiến hành thỏa thuận phí lập vi bằng. Nếu thống nhất, các
Bên ký Hợp đồng dịch vụ lập vi bằng theo mẫu tại Thông tư 05/2020/TT-BTP.
Bạn cũng
nên lưu ý là thông thường, các văn phòng thừa phát lại sẽ đề nghị khách hàng
tạm ứng trước một phần phí dịch vụ, đặc biệt là những vi bằng lập ngoài trụ sở
văn phòng thừa phát lại như vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê.
Bước 3: Lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê tại hiện trường.
Tức là thừa
phát lại có mặt tại địa điểm lập vi bằng, tiến hành quan sát và ghi chép sơ bộ.
Nói chung, ở bước này, thừa phát lại chủ yếu quan sát, ghi âm, quay phim, chụp
hình, đo đạc, ghi chép ban đầu.
Bước 4: Hoàn thiện vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê
Sau khi lập
vi bằng tại hiện trường xong, thừa phát lại cần một quãng thời gian để hoàn
thiện vi bằng. Các công việc cần thực hiện tại bước này bao gồm soạn thảo vi
bằng, in ấn vi bằng và tài liệu đính kèm, trích xuất video, file ghi âm vào các
đĩa vi tính, ký tên và đóng dấu.
Bước 5: Đăng ký vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê
Theo quy
định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì:
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.
Về cơ bản,
đây là một thủ tục hành chính nhằm tránh việc thừa phát lại ngụy tạo “thời
gian” lập vi bằng. Ngoài ra, thông qua thủ tục này, Sở Tư pháp cũng giám sát
công việc lập vi bằng của thừa phát lại. Trường hợp phát hiện vi bằng, tài liệu
chứng minh vi phạm quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì Sở Tư pháp có
quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp
luật. thừa phát lại, Văn phòng thừa phát lại chịu trách nhiệm trước người yêu
cầu lập vi bằng, trước pháp luật về nội dung, hình thức vi bằng đã lập.
Bước 6: Bàn giao vi bằng và lưu trữ
Trước đây,
theo quy định tại Nghị định 135/2013/NĐ-CP thì vi bằng được coi là hợp lệ khi
đã đăng ký tại Sở Tư pháp. Do đó, thừa phát lại đăng ký xong vi bằng rồi mới
bàn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện tại không còn quy định này nên thông
thường, thừa phát lại bàn giao vi bằng cho khách hàng ngay sau hoàn thiện.
Hình thức, nội dung vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê
Hình thức
và nội dung của vi bằng được quy định tại Điều 40 Nghị định 08/2020/NĐ-CP. Theo
đó, vi bằng được lập bằng văn bản tiếng Việt, có nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên,
địa chỉ Văn phòng thừa phát lại; họ, tên thừa phát lại lập vi bằng;
b) Địa
điểm, thời gian lập vi bằng;
c) Họ,
tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng;
d) Họ, tên
người tham gia khác (nếu có);
đ) Nội
dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận;
e) Lời cam
đoan của thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng;
g) Chữ ký
của thừa phát lại, dấu Văn phòng thừa phát lại, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của
người yêu cầu, người tham gia khác (nếu có) và người có hành vi bị lập vi bằng
(nếu họ có yêu cầu).
Vi bằng có
từ 02 trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự; vi bằng có từ 02
tờ trở lên phải được đóng dấu giáp lai giữa các tờ; số lượng bản chính của mỗi
vi bằng do các bên tự thỏa thuận.
2. Kèm
theo vi bằng có thể có các tài liệu chứng minh; trường hợp tài liệu chứng minh
do thừa phát lại lập thì phải phù hợp với thẩm quyền, phạm vi theo quy định tại
khoản 1 Điều 36 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
Vì tính
bảo mật, chúng tôi không thể chia sẻ một vi bằng trên thực tế ở đây. Tuy nhiên,
bạn có thể tham khảo một vi bằng do 1 thư ký nghiệp vụ (đóng vai thừa phát lại)
theo học lớp đào tạo thừa phát lại tại Học viện Tư pháp lập theo yêu cầu của
giảng viên tại link này.
Phí lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê
Theo quy
định tại Điều 64 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì chi phí lập vi bằng do khách hàng
và văn phòng thừa phát lại thỏa thuận. Trên thực tế, các văn phòng căn cứ vào
yêu cầu lập vi bằng (nội dung, thời gian, địa điểm) sẽ báo mức phí thực hiện;
nếu khách hàng đồng ý thì các bên ký hợp đồng dịch vụ lập vi bằng.
Do theo cơ
chế thỏa thuận nên phí ở các văn phòng sẽ có sự chênh lệch. Tuy nhiên, theo
quan điểm của Blog thừa phát lại, tiêu chí để tìm kiếm một đơn vị dịch vụ pháp
lý, ngoài yếu tố phí dịch vụ thì khách hàng cần phải ưu tiên cân nhắc lựa chọn
một hãng luật chuyên nghiệp, có các chuyên gia am hiểu pháp luật, giàu kinh
nghiệm hành nghề để tư vấn cho khách hàng giải pháp phù hợp nhất và hỗ trợ
khách hàng hành động để đạt được mục tiêu.
Số lượng bản chính vi bằng và cấp bản sao vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà cho thuê
Trước đây,
số lượng bản chính vi bằng bị khống chế là 03 bản và khách hàng chỉ được giữ 01
bản chính. Do đó, nhu cầu cấp bản sao vi bằng rất cao. Tuy nhiên, theo quy định
hiện hành thì không khống chế số lượng bản chính vi bằng. Do đó, khách hàng nên
yêu cầu văn phòng thừa phát lại cung cấp nhiều hơn một bản chính vi bằng để
thuận tiện sử dụng. Về việc cấp bản sao vi bằng, ngoài văn phòng thừa phát lại
thì Ủy ban nhân dân, đơn vị hành nghề công chứng cũng có quyền chứng thực sao y
bản chính (sao y). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu có nhu cầu
thì khách hàng nên yêu cầu luôn văn phòng thừa phát lại cấp bản sao; bởi vì nếu
đem sao y tại Ủy ban nhân dân, đơn vị hành nghề công chứng thì có thể không đảm
bảo toàn vẹn nội dung do thiếu các tài liệu đính kèm (đĩa vi tính, hình ảnh…).
Quy định về cấp bản sao vi bằng được thực hiện như sau:
Văn phòng thừa
phát lại đang lưu trữ bản chính vi bằng thực hiện cấp bản sao trong các trường
hợp sau đây:
- Theo yêu
cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc cung cấp hồ sơ vi bằng phục
vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành
án liên quan đến việc đã lập vi bằng;
- Theo yêu
cầu của người yêu cầu lập vi bằng, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vi
bằng đã được lập.
Người yêu
cầu cấp bản sao vi bằng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải trả chi phí cấp
bản sao vi bằng theo mức sau đây: 05 nghìn đồng/trang, từ trang thứ 03 trở lên
thì mỗi trang là 03 nghìn đồng.
Trên đây
là tư vấn của Blog thừa phát lại về vi bằng “Ghi nhận hiện trạng nhà cho
thuê”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, độc giả vui
lòng liên hệ theo thông tin sau đây, Blog thừa phát lại sẵn sàng lắng nghe và
chia sẻ giải pháp với bạn:
Địa chỉ: 02 Tagore, Phường Bình
Thọ, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0906
311 132 - 0357 133 132
Email: blogthuaphatlai@gmail.com
Blog: blogthuaphatlai.vn
Youtube: @blogthuaphatlai
0 Nhận xét